Về miền biển Sóc Trăng thưởng thức món xá pấu

Vĩnh Châu là thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng, là thủ phủ của cây hành tím nhưng cũng rất nổi tiếng với nghề trồng củ cải trắng để cho ra đời sản phẩm món xá pấu lừng danh.

Ông Mã Chí Thọ - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Vĩnh Châu cho biết: Củ cải trắng ở Vĩnh Châu được trồng nhiều ở địa phương có đất giồng cát. Vụ sản xuất năm nay, nông dân Vĩnh Châu đã trồng trên 1.000 ha củ cải, tập trung nhiều ở phường 2, phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Hải,… Năng suất bình quân đạt trên 44 tấn/ha, bán với giá 4.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 70 – 90 triệu đồng/ha.

z4129015009001_431db77bbc2ea89e8ad36051929f0422-1550

Người dân thu hoạch củ cải trắng

Cũng theo ông Thọ, củ cải trắng dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh (khoảng 50 ngày), chi phí ít. Sau khi thu hoạch, được giá thì người dân sẽ bán ngay, còn nếu giá xuống thấp thì họ đem ủ muối làm củ cải muối hay còn gọi là xá pấu (bấu), không sợ hư hỏng, nhờ vậy mà nguồn thu nhập của người trồng củ cải trắng luôn đứng ở mức cao và ổn định. Nhờ trồng củ cải trắng, không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Theo người làm xá pấu, sản phẩm này được làm từ củ cải trắng. Cách làm cũng khá đơn giản nên ai cũng có thể làm được, thông thường 1 tấn củ cải trắng sẽ làm được khoảng 600kg xá pấu.

Một số bà con người Hoa cho biết họ làm món xá pấu như sau: Củ cải trắng được chọn làm xá pấu, thường không cần lớn lắm, nhưng phải suôn và săn chắc.

Củ cải sau khi đem phơi được 3 nắng cho se lại thì xếp vào lu hoặc khạp; cứ mỗi lớp củ cải thì được xen kẽ với một lớp muối hột, khi đầy khạp thì ém chặt lại và được đậy bằng lá chuối. Để khoảng hơn 2 tháng khi thấy củ cải đã thấm muối thì lấy ra phơi nắng, sau đó cho vào khạp và tiếp tục ủ thêm khoảng 1 tháng là có thể lấy ra dùng được.

Còn với những hộ sản xuất với quy mô lớn thì họ đào hố sẵn ở ngay tại ruộng củ cải. Củ cải mới nhổ được cho vào hố, cứ một lớp củ cải là rải một lớp muối theo tỷ lệ 10 tấn củ cải 4 tấn muối, lớp trên cùng là muối. Sau khoảng 1 tuần ủ, cải đủ độ mặn giòn thì vớt ra phơi nắng khoảng 5 ngày. Nắng càng gắt xá pấu càng ngon.

cu-cai-da-u-muoi-1550

Củ cải đã ủ muối

Ngoài xá pấu mặn, Vĩnh Châu còn có xá pấu ngọt, cách làm có khác với xá pấu mặn. Củ cải trắng được xắt nhỏ, đem phơi nắng, sau đó trộn đường, muối theo tỷ lệ thích hợp rồi đem ủ cho đến khi có màu vàng đặc trưng của xá pấu là có thể ăn được. Xá pấu ngọt ăn với cháo trắng mà không phải qua khâu nấu nướng gì cả, để ngon hơn người ta có thể thêm tỏi, chanh, ớt… hương vị đặc trưng của xá pấu trở nên đậm đà hơn.

Hiện nay, xá pấu ngọt là sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường, được bán rất nhiều ở các địa phương và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ngoài việc làm xá pấu mặn, ngọt, một số hộ dân còn cho ra sản phẩm củ cải xẻ. Tuy nhiên đòi hỏi người làm phải bỏ nhiều thời gian để xẻ, phơi củ cải.

Xá pấu là sản phẩm độc đáo nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Xá pấu được dùng phổ biến, chế biến thành nhiều món ăn. Trước khi chế biến rửa xá pấu nhiều lần để loại bỏ bớt vị mặn. Xá pấu thái sợi hoặc thái miếng chế biến thành món xá pấu xào sả ớt, xá pấu xào thịt, xá pấu chưng trứng, xá pấu nấu canh, xá pấu hầm …

amthucsoctrang-1

Món xá pấu nổi tiếng miền Tây

Đến với Sóc Trăng, bên cạnh đặc sản lừng danh là hành tím, du khách không quên mua xá pấu về thưởng thức hoặc làm quà biếu tặng người thân và bạn bè.

Sao Khuê

Link nội dung: https://amthucvungmien.com.vn/ve-mien-bien-soc-trang-thuong-thuc-mon-xa-pau-548819.html