Bội thu mùa Thanh trà Vĩnh Long

Dọc quốc lộ 1A đoạn cầu Cần Thơ và quốc lộ 54 thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh vàng óng của quả Thanh trà chính vụ ở những vườn cây và các điểm bán ven đường.

Từ chân cầu Cần Thơ bờ Vĩnh Long du khách đã không khỏi trầm trồ với những gian hàng bán thanh trà ven đường. Quả Thanh trà treo lủng lẳng tạo thành từng hàng nối nhau tạo thành một tuyến đường vàng ươm. Đang ở đoạn chính vụ nên Thanh trà chín căng mọng, vỏ vàng hấp dẫn.

Từ loại trái cây bị lãng quên, nay Thanh trà nổi lên như một đặc sản miền Tây. Sau Bưởi năm roi, Thanh trà là loại quả thứ 2 hiếm hoi mang lại năng suất cao cho nông dân tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với khoảng 27ha cây trồng.

Thanh trà có 2 loại là ngọt và chua, bắt đầu vào mùa từ độ sau Tết Nguyên đán.

Thanh trà chua đầu mùa được thu mua từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Trong khi Thanh trà ngọt chỉ mới phát triển trồng trong vài năm gần đây, diện tích ít, nên giá ở mức khá cao từ 120.000 - 130.000 đồng/kg nhưng nguồn cung không nhiều nên thường không đủ bán ra thị trường.

Với mức giá này, người trồng Thanh trà có lợi nhuận khá nên thị xã Bình Minh đang khuyến khích mở rộng diện tích để phát triển vùng nguyên liệu cũng như góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân.

Empty

Ông Lê Hữu Đức, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có hơn 15 công đất trồng hơn 100 gốc Thanh trà được hơn 20 năm

Empty

Những cây Thanh trà "cổ thụ" nông dân có thể thu hoạch hơn 500kg trái.

Empty

Nông dân thuê người thu hoạch Thanh trà với chi phí 200 ngàn đồng một ngày công.

Empty
Empty

Thanh trà sau khi thu hoạch sẽ được phân loại

Empty

Ngoài dùng để ăn, Thanh trà còn được chế biến làm mứt

Empty
Empty

Ngay từ chân cầu Cần Thơ phía bờ Vĩnh Long, du khách đã bị hấp dẫn với những gian hàng bán thanh trà ven đường.

Theo chia sẻ của các nông dân nhiều năm trồng Thanh trà, cây cho trái ba đợt. Đợt đầu tiên bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch sau Tết Nguyên đán, kế đó sẽ thu hoạch liên tiếp thêm hai đợt nữa. 

Cây Thanh trà có thể trồng bằng hạt, thời gian cho trái lên đến khoảng 10 năm nhưng nếu sử dụng kỹ thuật chiết cành thì cây trồng tầm khoảng 3 đến 5 năm sẽ cho ra trái. Cây cho trái nhiều, đạt năng suất cao khi tuổi thọ đạt từ 20 đến 25 năm. Tuổi thọ cây càng cao cho trái càng nhiều.

Người dân ở nơi đây cho biết, đã có một số địa phương khác trồng loại cây Thanh trà này, nhưng do không hợp thổ nhưỡng nên khi thu hoạch vỏ không được bóng và tròn, vị sẽ chua hơn so với khi trồng tại thị xã Bình Minh.

Trái Thanh trà trông như quả xoài thu nhỏ, kích thước cỡ chừng bằng quả trứng gà nằm gọn trong lòng bàn tay. Khi còn non, loại trái này khoác lên mình lớp vỏ màu xanh mướt, đến khi chín lớp vỏ dần chuyển sang màu vàng căng bóng và óng ánh.

Thanh trà là loại trái cây dân dã của miền Tây sông nước nhưng lại mang một nét quyến rũ và kiêu sa thật lạ kỳ bởi hương thơm thoang thoảng mang nét đặc trưng không thể nhầm lẫn. Loại quả này có vị ngọt thanh xen vào đó là một chút vị chua chua, rất thích hợp để giải nhiệt vào những ngày mùa nắng nóng.

Hồi trước, thanh trà ít được ưa chuộng vì chua, nay bỗng “lên đời”, trở thành sản phẩm đặc trưng của mùa sau Tết, gây ấn tượng mạnh với nhiều du khách trên hành trình khám phá miền Tây.

Để ăn Thanh trà ngon nên đặt quả lên lòng bàn tay rồi xoa đều đến khi mềm. Làm như vậy để trái thanh trà giảm độ chua và dễ lột vỏ hơn. Vị chua ngọt, thanh tao và mùi thơm của trái Thanh trà cũng vì thế khiến người ăn nhớ mãi.

Ngoài dùng để ăn vui, Thanh trà còn là nguyên liệu cho nhiều món ăn, thức uống ngon.

Thanh trà chín gọt vỏ, pha vào đường và chút nước ấm cho nước đá nhuyễn sẽ tạo nên một ly nước giải khát, giải nhiệt cực thích.

Thanh trà vừa chín tới, gọi là “hườm hườm” thì gọt vỏ, cắt khoanh để nấu canh chua thay me, dùng thay giấm... Canh chua Thanh trà nấu với cá bông lau, cá lóc đồng... cực đưa cơm. Nước dùng chua thanh, không gắt, lại có hậu ngọt và thoang thoảng hương thanh trà hòa quyện cùng hương đồng vị quê trong nồi canh chua miền Tây.

Thanh trà ngâm đường cũng là một cách thưởng thức ngon và dễ làm. Thanh trà gọt vỏ, cho vào keo, hũ rồi thêm đường vào ướp và đem đi phơi nắng. Chừng nửa tháng là đã có món ngon, đường quyện vào trái thanh trà, tươm mật, làm thành nước dùng sền sệt, ngọt ngọt chua chua. Thanh trà ướp đường kiểu này có thể ăn trực tiếp hay tuyệt vời hơn khi pha nước uống.

Một món ăn khác được xem là “đệ nhất” nhưng khá kỳ công là sên mứt Thanh trà.

Để làm món này Thanh trà phải gọt sạch ướp đường để một lúc cho thấm rồi bắc lên chảo sên cho kẹo, thành những viên mứt rất hấp dẫn, màu sắc và hương vị kích thích vị giác vô cùng. Mứt Thanh trà có ưu điểm là không quá ngọt như một số loại khác, mà lại có vị chua chua, thơm thơm nên ăn mãi không ngán. Bấy nhiêu món ngon cho một loại trái cây đặc sản miền Tây đủ để bạn một lần thử tìm và trải nghiệm để rồi mỗi dịp sau Tết Nguyên đán lại rủ nhau về miền Tây khi mùa thanh trà chín rộ.

z4195552120317_fffc4817798428a2525ad062d98ffdfc-0556
z4195552126531_07ff01b37ac0cfa276b91f7e708be516-0556
z4195552118992_170f98225198d685e9b3b8fc2d815da6-0556
z4195552119567_1493eb11053dab98f9008c0391375ce2-0556
z4195552115650_c73b180e7d7b724a27feb21d2a4e0d43-0556

Ông Lê Thanh Thuận - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Hiện phòng kinh tế cũng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu Thanh trà ngọt; tham gia đánh giá OCOP cho sản phẩm; hỗ trợ công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng thanh trà ngọt; hỗ trợ quy trình sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng đồng đều. Toàn thị xã có khoảng 15ha trồng thanh trà ngọt xen trong vườn, sản lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, giống Thanh trà ngọt giống mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Địa phương cũng đang từng bước hỗ trợ nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị cạnh tranh cho Thanh trà.

Trung Phạm

Link nội dung: https://amthucvungmien.com.vn/boi-thu-mua-thanh-tra-vinh-long-548825.html