1. Mì chũ Lục Ngạn
Được sản xuất từ làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang), đây là một làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời. Trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối, mỳ Chũ đã trở thành đặc sản của vùng đất này, một ẩm thực mang hương vị quê nhà không thể quên được của mỗi người con đất Bắc khi đi xa.
Được tạo ra bởi chính hạt gạo Bao thai hồng, trồng trên vùng đất đồi Chũ, những cây lúa chắt chiu dinh dưỡng, hình thành bông từ mảnh đất đồi sỏi đá, cằn cỗi. Có lẽ chính vì vậy mỳ nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác. Từng sợi mỳ mang cho bạn cảm giác dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi nơi đầu lưỡi.
Đây là một món ẩm thực bình dân, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nhúng để ăn lẩu trong những ngày mùa đông giá lạnh. Hay đơn giản chỉ là một đĩa mỳ xào, một bát phở để cho gia đình, bạn bè hoặc tự mình thưởng thức. Dù có chế biến như thế nào mỳ Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.
Nếu có dịp đến với vùng đất Bắc Giang du khách đừng nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn đặc biệt này và cũng không quên mua làm quà cho người thân, bạn bè để cùng thưởng thức thứ đặc sản của miền đất Lục Ngạn.
2. Vải thiều Lục Ngạn
Nhắc tới Bắc Giang là người ta nhớ tới vùng đất văn hiến lâu đời, đồng thời cũng là nơi đất lành với nhiều hoa thơm trái ngọt. Trong số các sản vật nổi tiếng không thể không nhắc tới vải thiều mà đặc biệt hơn là vải thiều Lục Ngạn.
Vải thiều được dùng như thực phẩm hàng ngày như: vải tươi, vải sấy khô, vải đóng hộp; ngoài ra vải thiều còn làm nên nhiều vị thuốc tốt cho sức khoẻ con người: chữa tiêu chảy, viêm miệng, mụn nhọt, đau răng, làm đẹp da…Hiện nay Vải thiều Lục Ngạn không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất sang thị trường nước ngoài: EU, Trung Quốc, Đông Âu.
3. Rượu Làng Vân
Nằm hiền hòa bên dòng sông Cầu, xã Vân Hà không chỉ nổi tiếng là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và thơ mộng của một làng quê Việt Nam cổ truyền. Nơi đây, từ xa xưa vốn nức tiếng gần xa với nghề nấu rượu. Cái tên rượu làng Vân đã trở thành “thương hiệu” độc đáo và là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân sống trên mảnh đất này.
Để giữ bí quyết của nghề nấu rượu, ngay từ xa xưa, người dân Vân Hà đã có ý thức bảo vệ nghề truyền thống của mình. Trong gia đình, cha mẹ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Tập tục này được tuân thủ nghiêm ngặt và trở thành một điều thề ước lâu đời ở làng Vân.
4. Nham Vân Xuyên
Thơm, bùi, béo ngậy - đó là đặc trưng hấp dẫn không thể cưỡng lại của món Nham cá dân dã nhưng đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp vùng của người làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa.
Bao người con của Hiệp Hòa đi xa, chẳng ai không đau đáu trong tiềm thức của mình hình ảnh xum vầy của gia đình bên mâm cơm và đặc biệt ấn tượng không khí gia đình, bạn bè ngồi quây quần bên mâm cỗ quê, thưởng thức món Nham, hòa quyện với chén rượu cay cay, thơm nồng gạo mới làm nên phong vị hồn quê khó quên.
5. Bánh đa Kế
Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó bao hương vị, đậm đà quê chất Bắc Giang. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị bùi, thơm mùi lạc, vừng, khoai lang... đã trở thành món quà không thể thiếu đối với du khách.
6. Cua Da
Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như: Đồng Việt, Đồng Phúc, Thắng Cương mà dân trong vùng quen gọi là “Cua Da”. Loài cua này rất đặc biệt ở chỗ chỉ xuất hiện và khoảng đầu Đông trong thời gian khoảng 2 tháng (tháng 9 và tháng 10 âm lịch) hàng năm.
Đây là một loài cua sông to gần bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng, nhưng chân dài, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua. Đó là hai càng của giống cua này có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp diềm rêu điệu đà.
Theo kinh nghiệm của người dân làng chài nơi đây, cua Da có thể được chế biến thành nhiều món như: Cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh… Nhưng ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Bỏ cua vào thùng, xả nước và xóc mạnh cho sạch.
Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, khi ăn không cần dùng đến kẹp như cua hay ghẹ biển. Ăn cua da chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.
Phương Thảo (tổng hợp)
Link nội dung: https://amthucvungmien.com.vn/nhung-mon-ngon-o-bac-giang-nen-nem-thu-mot-lan-trong-doi-549430.html