Phường Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) có tổng diện tích trên 32 km2, dân số trên 30 nghìn người sinh sống.
Từ xưa, Cù lao Tân Lộc được mệnh danh là "hòn đảo ngọt" bởi nơi đây là khu trồng mía nổi tiếng. Về sau do nhu cầu thị trường thay đổi, cù lao này đã chuyển sang nuôi cá xuất khẩu, trong đó chiếm phần lớn là loài cá tra và cá basa.
Vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn nước sạch nên việc nuôi trồng ở cù lao Tân Lộc quanh năm thuận lợi và từng được xem là vùng nguyên liệu trọng yếu chuyên cung cấp cá tra xuất khẩu của khu vực ĐBSCL. Thời điểm này nhiều người dân vùng Tân Lộc đã thật sự đổi đời nhờ những vụ được mùa nhưng cũng không ít gười trắng tay, vỡ nợ chỉ vì đầu tư không đúng "thời điểm".
Thu hoạch cá tra tại Cù lao Tân Lộc (Ảnh minh họa)
Giai đoạn khó khăn, ông Chương Văn Khanh, còn được gọi là chú Út Anh đã quyết định cùng vợ khởi nghiệp với mô hình làm khô và mắm từ cá tra.
Ban đầu, với lượng cá thừa bị trả về, gia đình chú Út Anh đã thử bỏ sỉ cho các chợ đầu mối, đồng thời hạ phân nữa giá vốn để bán cho hết. Tuy nhiên do khối lượng lớn nên cách làm này không mấy khả quan nên cô Út Anh đã nghĩ ra cách mang đi làm mắm ăn qua ngày. Không ngờ loại nước mắm này đã được họ hàng và anh em bạn bè khen nức nở.
Nhận thấy được tiềm năng của mô hình này, vợ chồng chú Út Anh đã mạnh dạn khai thác số tấn cá thừa khi đó để làm mắm và khô.
Các sản phẩm được chế biến theo phong cách truyền thống, hoàn toàn bằng thủ công.
Tâm sự về bước chuyển hướng, chú Út Anh xúc động chia sẻ: "Sản phẩm đầu tiên chính là mắm, sau đó là nước mắm và đến khô. Tôi nhớ thời điểm khó khăn nhất chính là giai đoạn đầu khi vợ chồng tôi tìm tòi công thức để ướp mắm với số lượng lớn. Ban đầu ướp chưa ngon, lúc mặn lúc nhạt, làm rồi để ăn chứ không dám chia ai.
Sau nhiều lần thất bại, chúng tôi cũng đã nghiên cứu ra những công thức hiệu quả, tuy chưa gọi là ngon như bây giờ nhưng lúc đó có thử mang tặng cho bà con hàng xóm, bạn bè thân hữu thì ai cũng tấm tắt khen ngon".
Mắm và khô được chế biến từ cá Tra vô cùng tươi ngon, bắt mắt.
Được chính quyền địa phương ủng hộ và khuyến khích tham gia chương trình OCOP (One Commune One Product - mỗi xã một sản phẩm), vợ chồng chú Út Anh đã tự tin đăng ký để mang mắm nhà làm ra thị trường phục vụ bà con.
Được biết, đây là chương trình tìm kiếm tài nguyên nhân văn, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm kinh doanh. Tuy nhiên, giai đoạn khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, cơ sở của chú Út Anh lúc bấy giờ còn rất sơ sài, để vào OCOP thì điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được môi trường sản xuất và lượng cung ứng quanh năm, gia đình lại lần nữa rơi vào khó khăn.
Năm 2018 là giai đoạn khởi nghiệp vàng của cơ sở sản xuất khô và mắm của vợ chồng cô Dân, chú Út Anh.
Bằng sự kiên trì gia đình chú Út Anh còn rất được lòng láng giềng nên đã được hàng xóm đối diện nhà hỗ trợ cho lắp đường ống nước thải, từ đó giải quyết được vấn đề môi trường, đảm bảo sản xuất.
"Tôi rất biết ơn người bạn này, nếu ngày đó không có sự giúp đỡ của họ thì chắc chắn sẽ không có cơ sở của tôi bây giờ" - Vợ chồng chú Út Anh xúc động chia sẻ.
Sau khi ổn định cơ sở sản xuất, vợ chồng chú đã quyết định sử dụng cá của công ty để làm khô và mắm, "Dù giá thành có chênh lệch nhưng lại đảm bảo được nguồn hàng có quanh năm, lời ít cũng chẳng sao", Cô Dân tâm sự.
Vợ chồng chú Út Anh cùng sản phẩm được OCOP công nhận đạt chuẩn chất lượng. Phía sau là hàng loạt chứng nhận đạt 4 sao cùng bằng khen của địa phương dành cho gia đình cô chú.
Sau gần 10 năm gầy dựng sự nghiệp, cơ sở của chú Út Anh đã tạo được tiếng vang trên thị trường làm mắm và khô. Hiện tại, cơ sở đã có 4 mặt hàng đạt tiêu chuẩn 4 sao từ OCOP gồm mắm cá tra, khô cá tra một nắng, khô cá tra tẩm ướp và nước mắm cá linh.
Ngoài ra, cơ sở của chú Út Anh còn chế biến thêm rất nhiều món ngon khác: mắm cá lóc, mắm cá linh, khô cá rô, khô cá lóc... Dự tính trong thời gian tới, khi đã đảm bảo khâu cung ứng sẽ tiến hành mang đi kiểm nghiệm và thi đấu để những sản phẩm trên sớm vào OCOP, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều món ăn ngon, an toàn và chất lượng.
Cho đến khi đã hoàn thành sản phẩm, vợ chồng chú Út Anh vẫn luôn lắng nghe những đóng góp của khách hàng để thay đổi sản phẩm ngày một tốt hơn.
Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết để tạo ra khô và mắm tươi ngon, chất lượng, cô Dân không khỏi tự hào kể lại: "Nhà cô chỉ sử dụng cá của công ty để chế biến vì nó đảm bảo độ tươi sống, thân cá đều, đẹp và không quá to, đặc biệt là rõ nguồn gốc. Cô mang về và tiến hành sơ chế, trụng nước sôi và rửa rất nhiều lần để khử tanh và nhớt trên thân cá, sau đó tẩm ướp gia vị theo công thức và mang đi ủ, đi phơi đủ nắng".
Khô cá tra nguyên vị và khô cá tra được tẩm ướp.
Mắm cá tra sau khi ra thành phẩm sẽ được mang đi đóng gói, bao bì cẩn thận để không gây mùi.
Còn về nước mắm cá linh, cô cũng chọn lấy cá của công ty, rửa thật sạch và sơ chế cẩn thận, xong sẽ tiến hành mang đi ủ trong 8 tháng đến 1 năm. Cô Dân nhấn mạnh rằng tất cả công đoạn ở cơ sở Út Anh đều phải được làm thủ công để đảm bảo theo dõi được quá trình lên men của mắm, sau khi ủ xong sẽ tiến hành mang đi nấu, vì thế chất nước mắm đầu ra có màu sắc trong hơn, đậm đặc hơn.
Nước mắm cá Linh của cơ sở Út Anh có màu sắc đẹp, vị mặn vừa phải, đặc biệt là rất thơm mùi cá được ủ đủ ngày.
Với giá cả hợp lý dao động từ 30 đến 200 nghìn đồng, cơ sở Út Anh vẫn đều đặn đi hàng mỗi ngày, mang sản phẩm phân bố rộng khắp, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và gắn bó thời gian dài.
Chị Thúy – nhân viên gắn bó hơn 6 năm với cơ sở sản xuất khô và mắm Út Anh chia sẻ: “Trước đây tôi cân mận sống qua ngày, từ ngày gắn bó với công việc này, tôi có được nguồn thu nhập ổn định, đỡ đần kinh tế gia đình. Anh chị chủ rất thương nhân viên chúng tôi, luôn tạo điều kiện để chúng tôi có môi trường làm việc tốt nhất, nên dù hàng hóa có nhiều thì anh chị em chúng tôi cũng vui vẻ hoàn thành tốt công việc được giao”.
Cơ sở làm mắm và khô của chú Út Anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, trong đó có chị Thúy là người đã chọn gắn bó lâu dài với công việc này.
Nhờ vào sự kiên trì bền bỉ, không bỏ cuộc bao giờ, căn nhà vách lá ven sông quanh năm xiu vẹo của vợ chồng cô Dân - chú Út Anh giờ đây đã khang trang hơn bởi mái ngói, gạch tường, cơ sở sản xuất cũng được đầu tư bài bản và quy mô hơn.
Tuy hiện nay tình trạng xuất khẩu cá tra tại Tân Lộc đã không còn nhộn nhịp như trước nhưng các sản phẩm được chế biến từ cá tra lại rất được đón nhận, trong đó phải kể đến công lao của cơ sở sản xuất khô và mắm Út Anh.
Chứng nhận và bằng khen minh chứng cho sự kiên trì bền bỉ được đổi bằng mồ hôi, nước mắt thời son trẻ của vợ chồng cô chú.
Khách hàng không ngại đường xa để tìm đến mua sản phẩm của vợ chồng cô chú Út Anh.
Mắm và khô đã trở thành món ăn dân giã không thể thiếu trên mâm cơm của người dân miền Tây, đồng thời là đặc sản tiêu biểu của Cù Lao Tân Lộc mà gia đình chú Út Anh chính là thế hệ tiên phong đi đầu trong công cuộc mang sản phẩm chế biến từ cá vươn ra biển lớn. Các sản phẩm tại cơ sở của chú Út Anh đã dần tiến vào thị trường nước ngoài và được nhiều cường quốc đón nhận như Anh, Mỹ, Nhật, Đức, Hà Lan, Đan Mạch...