Thời gian xào nấu quá lâu
Các vitamin có trong rau củ nếu được đun nấu dưới ngọn lửa nhỏ trong thời gian dài, nó rất dễ bị phân hủy. Vì thế chuyên gia dinh dưỡng khuyên thời gian xào nấu rau củ không nên kéo dài, tốt nhất nên đun với ngọn lửa lớn và không nên cho quá nhiều nước để giảm thiểu tổn thất vitamin.
Nhặt bỏ lá rau
Nhiều chị em nội trợ có thói quen nhặt bỏ phần lá khi chế biến rau muống, rau nhúc... Đây là việc làm sai lầm và lãng phí bởi lượng vitamin có trong lá rau hay thân, cọng cũng nhiều như nhau.
Để rau đã sơ chế lâu ngoài không khí
Đa phần các loại vitamin trong rau củ rất dễ bay hơi. Nói cách khác là dễ bị oxi hóa khi để lâu ngoài không khí. Vì thế rau củ cần được chế biến ngay sau khi cắt gọt.
Ăn rau để qua đêm
Thói quen của nhiều chị em nội trợ là chế biến rau xong không ăn hết thường để trong tủ lạnh hôm sau ăn tiếp. Tuy nhiên, rau khi đã chế biến chín rồi để trong tủ lạnh dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc thực phẩm cho các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, do hàm lượng nitrat trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong và để lâu, vi khuẩn sẽ phân hủy, lượng nitrat tạo thành nitrite – chất gây ung thư. Vì vậy, với các món rau khi không ăn hết nên đổ đi tránh gây hại cho sức khỏe.
Gọt bỏ hết vỏ rau củ
Nhiều người cho rằng vỏ rau củ thường là phần tiếp xúc với đất bẩn nên gọt bỏ đi hết. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một số loại rau củ tươi mà vỏ chứa nhiều vitamin C hơn cả thân và lá. Chẳng hạn bí đỏ, củ cải, cà rốt, cà tím... Vì thế các bà nội trợ được khuyên, ngoại trừ loại củ có vỏ cứng không nấu mềm được, không nên gọt hết vỏ rau củ, chỉ cần rửa thật sạch trước khi chế biến là được.
Sau khi xào món ăn không rửa chảo tiếp tục nấu món khác
Nhiều người để tiết kiệm thời gian hoặc thấy chảo vẫn sạch sẽ, thường xào xong món đầu tiên lại tiếp tục nấu món khác. Thực ra, nhìn chảo có vẻ sạch sẽ nhưng trên bề mặt của chảo vẫn dính một lớp dầu mỡ và thức ăn còn sót lại. Khi nấu lần sau ở nhiệt độ cao, có thể sẽ sinh ra chất gây ung thư Benzopyrene.
Vì vậy, tốt nhất mỗi khi xào xong món ăn đều phải rửa sạch nồi chảo, rồi mới làm tiếp món khác. Như vậy không chỉ làm giảm phát sinh chất độc hại, còn có thể tránh làm ảnh hưởng đến mùi vị của món chế biến sau.
Trộn dầu trước khi xào rau
Khi chúng ta làm các món xào khô như xào đậu cô ve hay xào các loại quả ớt xanh, cà tím, củ cải v.v... Chúng ta thường thích cho rau củ vào trong dầu trộn qua một chút, rồi vớt ra tiếp tục xào, làm như vậy mùi vị món ăn sẽ đậm đà hơn, thơm ngậy hơn và màu sắc thì xanh bóng hơn, nói chung rất hấp dẫn.
Tuy nhiên thói quen này không hề tốt chút nào, thường xuyên xào nấu như vậy lượng chất béo hấp thụ vào cơ thể sẽ quá nhiều, chẳng mấy chốc mà vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Xào như vậy còn phá hủy dinh dưỡng vốn có của rau củ, đồng thời còn có thể sinh ra những chất gây ung thư.
Theo Gia đình Việt Nam
"https://giadinhvietnam.com/7-sai-lam-khi-xao-nau-rau-xanh-khien-mat-chat-dinh-duong-gay-benh-ung-thu-d165938.html"