Thương hiệu quê kiểng
Những ai đã đến Trảng Bàng, một huyện của tỉnh Tây Ninh nằm giáp TP. HCM, hẳn đã biết đây là một “vành đai xanh” của thành phố lớn nhất nước này. Trảng Bàng là một huyện nông nghiệp cung cấp khoảng 60% rau xanh cho TP HCM.
Khí hậu và thổ nhưỡng vùng này, cộng với nguồn nước lành từ hồ Dầu Tiếng dẫn về đã tạo cho những sản phẩm nông nghiệp của Trảng Bàng những nét riêng.
Từ rất lâu, tô bánh canh Trảng Bàng được biết đến như tô bún thang bún ốc của người Hà Nội hay bún bò giò heo của Huế, có điều sợi của nó to hơn và một đặc điểm lớn nhất của nó là nhiều rau.
Bên cạnh tô bánh canh là một món song hành: cuốn bánh tráng. Món này là những lá bánh tráng khô tráng bằng gạo mới, ngon, phơi sương như bánh đa sống dùng để gói gỏi (Nam bộ) hay nem (Bắc bộ). Tại đây dược dùng để gói gia vị, rau thơm, tôm, thịt vào trong, chấm với thứ mắm nêm đặc biệt.
Nhưng, với bề dầy nhiều năm tháng, với những sản phẩm đặc biệt này, bánh canh Trảng Bàng đã nằm trong “sổ tay du lịch” của nhiều khách hàng những vùng miền xa xôi và cả du khách nước ngoài khi đã đến nơi đây khi được các đại gia phát triển, nâng nó lên tầm cao mới.
Rau và thời khí Nam bộ
Khi bàn tiệc bánh canh dọn ra, nếu bạn là người ngoài Bắc vào hoặc từ châu Âu về, sẽ phần nào ngạc nhiên vì hình như đến đây để ăn… rau.
Nhưng nếu bạn đã sinh sống ở Nam bộ vài tháng, nhất là mùa khô đằng đẵng với gần sáu tháng không mưa thì khi nhìn thấy đĩa rau bạn sẽ …tứa nước miếng.
Đĩa rau, món chủ lực của bàn ăn này có thể lên đến hơn …chục loại.
Trong đó, đặc biệt có những loại hầu như chỉ có ở nơi đây. Đó là lá cóc hồng, một loại rau giúp các quý ông giải rượu ngay khi uống, thứ này giảm độ “sốc” của rượu rất rõ. Còn loại đặc biệt hơn là cây ngũ vị hương.
Lá rau này thể xốp, hơi dai, vị thơm thoang thoảng nằm giữa hương vị the the của bạc hà, cay nồng của quế, hơi giống mùi xá xị, phảng phất mùi húng láng Hà Nội, ăn kèm món bánh tráng cuốn thịt, tôm rất ngon.
Tên gọi các loại rau này là do cách tự quy ước của người dùng chứ người Trảng Bàng “gốc” gọi nó là…rau rừng.
Khoảng bảy phần mười đĩa rau là những loại rau tự nhiên mọc dọc sông Sài Gòn và những con kênh nội vùng. Có thể nói, đây là nguồn rau sạch 100% và không ai trồng nó cả, nó là của thiên nhiên.
Hiện nay nhu cầu về nguồn rau này tăng lên gần đây lại tạo nên công ăn việc làm cho rất nhiều gia đình chuyên đi hái thứ rau chỉ có ở vùng này để bán cho hệ thống nhà hàng bánh canh Trảng Bàng.
Món bánh canh, có nét đặc trưng là nồi nước lèo ( miền Bắc gọi là nước dùng) rất đặc biệt. Những thứ mắm Nam bộ “hợp lưu” tại đây cùng “bài” pha chế dạng “bí truyền” tạo nên mùi thơm và vị đậm đà dễ chịu.
Thịt heo dùng để cuốn bánh tráng và dùng cho tô bánh canh là loại thịt có tỉ lệ mỡ, nặc hài hòa được lấy từ giống heo được nuôi theo hướng gần thủ công, nên vị thịt và độ rai rất dễ ưa.
Bánh để cuốn cũng là một đặc sản. Nó dầy, xốp, hơi dai nhưng dẻo dễ gói. Nhiều bánh dạng này ở các địa phương khác có khi quá mỏng, giòn, dễ vỡ gẫy nhưng bánh cuốn Trảng Bàng phơi sương được chế biến, phơi, ủ rất công phu, bảo đảm đến cùng vị thanh, độ dẻo, độ xốp để thực khách ăn nó như một loại lương thực bên cạnh các thức ăn có độ dinh dưỡng cao khác.
Dọc tuyến quốc lộ 22 trên hành trình du lịch thăm thắng cảnh Núi Bà, Tòa thánh Tây Ninh, khu căn cứ Bộ chỉ huy quân sự miền nam thời chống Mỹ, Hồ Dầu Tiếng, cửa khẩu Mộc Bài v.v…những tiệm bánh canh Trảng Bàng sẽ đem đến cho bạn chút gì dễ chịu, dễ nhớ trong chuyến đi vui vẻ của mình.