1. Mật ong bạc hà
Lên Hà Giang thử mật ong bạc hà mới biết mật ong nơi đây có một vị đậm đà khác hẳn so những vùng khác, chúng êm dịu, bổ dưỡng mà mùi thơm thì vô cùng quyến rũ.
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn mật ong của vùng khác, chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là mùi hương đặc biệt.
Mật ong hoa bạc hà có mùi thơm rất riêng, màu vàng ánh xanh, ngọt lịm, hương thơm man mát đặc biệt dễ chịu. Thứ mật này có giá trị bồi dưỡng sức khỏe – một thứ thuốc bổ rất cần thiết cho người già và trẻ nhỏ, bên cạnh đó còn có tác dụng chữa bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, làm cho da dẻ hồng hào. Chính vì những đặc tính dược liệu quý cùng với hương thơm, vị ngọt đặc biệt, mật ong hoa bạc hà có giá thành cao nhất trong các loại mật ong.
2. Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam là cơm được làm chín bằng cách cho vào ống tre, ống nứa rồi nướng chín trên than, củi. Đồng bào các dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương rẫy, vừa thuận tiện vừa dễ bảo quản.
Mỗi dân tộc ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến thành hương vị riêng, nhưng cơm lam Bắc Mê của người Tày mang một hương vị đậm đà đặc biệt, để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Cơm lam thường được làm trong ống tre, ống nứa, nhưng ngon nhất vẫn là dùng cây hóp non (hóp là một loại cây thuộc họ tre). Cây được chọn làm cơm không quá non hay quá già, đồng bào hay gọi đó là cây “bánh tẻ”.
Sau đó, người ta cho ống tre lên bếp than hồng, vừa nướng vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt xung quanh tác dụng đều lên ống. Chừng một giờ sau, mùi cơm nếp tỏa ra thơm lừng là lúc cơm đã chín.
Lấy cơm ra, trước khi ăn dùng dao chẻ bỏ phần ống tre đã cháy đen bên ngoài, để lại một lớp trắng phía trong. Tước nốt lớp vỏ trắng, cơm lam định hình ở dạng ống đặc, được bao quanh bởi một lượt màng ỏng màu trắng ngà của ruột ống tre.
3. Rượu ngô
Rượu ngô ở Hà Giang được nấu từ ngô do chính người dân tộc ở đây trồng ra. Ngô được ủ với loại men lá truyền thống nên khi uống rượu du khách sẽ thấy vị ngọt, thơm của ngô cùng vị cay cay nóng nóng của men.
Rượu ngô có độ cồn không cao như những loại rượu gạo miền xuôi, trung bình khoảng 25 – 30 độ nên người uống rượu sẽ không quá lo bị say hay mệt.
Để có được những hạt ngô ngon to nhất để làm rượu ngô, người dân tộc Mông đã phải gùi đất đổ vào các hốc đá rồi tra từng hạt ngô vào đó để trồng. Bằng công lao vất vả để làm ra những chén rượu ngô ngọt du khách sẽ hiểu được giá trị cuộc sống ở nơi này.
4. Cam Bắc Quang
Cam Bắc Quang là một loại trái cây ngọt lành bổ dưỡng, ở Hà Giang được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang. Huyện Bắc Quang là cửa ngõ của tỉnh Hà Giang, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Trong đó cam sành là cây chủ lực, là sản phẩm trái cây được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi hương thơm, vị ngon đậm đà.
Cam sành Bắc Quang quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi đặc trưng của cam sành. Vì có cùi dày nên loại cam này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hư. Đã từ lâu, cam sành đã trở thành thứ đặc sản nức tiếng, là thứ quà quý mà mỗi người đi xa muốn nhớ về Bắc Quang.
Có được hương vị đặc trưng, thơm ngon này cũng là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào.
5. Thắng dền
Thắng dền là món bánh ăn chơi mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Thắng dền thoạt nhìn trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn, nhưng lại có cách chế biến và hương vị khác biệt, khiến du khách ăn thử một lần sẽ thấy ấm áp khó quên.
Làm thắng dền không khó nhưng trải qua nhiều công đoạn. Thứ gạo làm bánh là gạo nếp Yên Minh (loại gạo nếp ngon nhất tỉnh Hà Giang), hạt to tròn đều và dẻo thơm. Gạo được vo sạch rồi ngâm nước qua một đêm, hôm sau mang đi xay bột nước rồi đổ vào một chiếc túi vải, đợi đến khi túi bột nhỏ hết nước, bột đặc mịn mới đem ra làm bánh.
Mỗi viên bánh được nặn hình tròn, to bằng đầu ngón tay cái, có nhân đỗ hoặc không nhân, sau đó cho vào nồi nước dùng luộc. Đến khi chín, bánh nổi lên được vớt ngay ra bát, chan nước dùng xâm xấp mặt bánh, rắc thêm chút vừng và lạc rang thơm khiến cho món ăn thêm hấp dẫn.
6. Cháo ấu tẩu
Lên Hà Giang những ngày gió lạnh hãy dùng chân bên những cửa hàng cháo ven đường, người chủ quán nhiệt tình và tốt bụng sẽ cho bạn thưởng thức tô cháo ấu tẩu ấm nóng, nó sẽ giúp bạn xua tan ngay cái giá lạnh trên cao nguyên đá…
Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Bề ngoài giống củ ấu miền xuôi, nhưng bên trong lại khác hẳn bởi củ ấu tẩu rất cứng và độc.
Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, song lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn mang hương vị đặc biệt và rất tốt cho sức khỏe.
7. Thịt lợn hun khói của bà con Mông
Hà Giang nổi tiếng với những món ăn độc và lạ, món thịt lợn hun khói cũng không ngoại lệ với hương vị độc đáo, món ăn này đã có từ rất lâu đời và nó đã dần trở thành một đặc sản của bà con nơi phố núi…
Thịt lợn hun khói của đồng bào dân tộc ở Hà Giang đã có rất lâu, và trở thành một đặc sản của địa phương. Thịt lợn hun khói ở đây mang đậm phong vị núi rừng cao nguyên đá, ăn rồi mới thấy khác.
Hàng năm cứ đến mùa đông người dân mới chọn những miếng thịt ngon về, thái mỏng rồi treo lên gác bếp. Hơi nóng của lửa sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mở chảy ra, thịt hun khói được chế biến thành nhiều món khác nhau như: nướng, xào, luộc hoặc kho cùng củ cải…rất đa dạng.
8. Bánh dày Dao
Bà con người Dao nơi cao nguyên đá có món bánh dày rất độc đáo, món bánh như thể hiện tình yêu nước thiêng liêng của bà con nơi đây.
Đã từ lâu, cứ đến dịp Tết Hàn thực người dân nơi đây lại tưng bừng, rộn rã giã bột làm bánh. Để tạo ra những chiếc bánh dày trắng tinh, dẻo thơm phải trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ. Gạo để giã bánh dày phải là gạo nếp nương “thuần chủng”, hạt tròn và khi nấu thành cơm thì dẻo quánh lại, thơm ngào ngạt.
Có 2 loại bánh dày là bánh dày chay (không nhân) và bánh dày có nhân ngọt và nhân mặn. Bánh dày có nhân được làm bằng đậu xanh. Nhiều người lại thích ăn bánh dày nhân mặn hơn vì có thêm thịt dọi, vị bùi của cùi dừa và vị cay của hạt tiêu.Chiếc bánh dày trắng tinh, thơm phức được đặt giữa mảnh lá chuối rừng xanh nõn nà khiến cho món ăn thêm phần hấp dẫn.