Vịt luộc thơm ngon, mềm ngọt cho ngày tết Đoan ngọ

25/06/2020 15:06

Thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt – hàn giữa trời và người là món ăn phù hợp trong thời tiết của tết Đoan ngọ.

Tại sao hay ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?

Theo quan niệm, vào ngày Tết Đoan Ngọ, dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn, giải nóng, làm mát cơ thể. Thực tế, từ tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Theo các chuyên gia, Vịt tên trong sách thuốc cổ là “Gia Áp,” có nơi gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ. Theo dược lý Đông y, thịt vịt có tính chất mát, ngọt (hơi độc), có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật (gọi là sài kinh), vịt giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. 

Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn làm món vịt luộc đơn giản nhưng thơm ngon, mềm ngọt.

Nguyên liệu làm món vịt luộc ngon

1 con vịt 1.5 -2kg sống (dành cho 4 người ăn)

Gừng tươi: 2 củ

Hành khô: 1 củ

Muối hạt

Rượu trắng.

Ảnh minh họa

 

Để có món vịt luộc ngon và mềm, việc đầu tiên là phải chọn được những con vị tươi, nếu sử dụng vịt sống là tốt nhất. Nên chọn những con trưởng thành, ức đầy, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Vịt trưởng thành có vị ngon ngọt và độ dai lý tưởng.

Không nên chọn vịt quá béo, ngậy mỡ vì ăn sẽ rất ngán. Không nên chọn vịt quá non hay quá già, vịt non thì thịt nhão, lông măng nhiều rất tốn thời gian sơ chế. Vịt già thì thịt dai, vị ngon ngọt cũng bị giảm đi nhiều.

Cách làm món vịt luộc ngon ngọt

Bước 1: Sơ chế vịt

Bạn có thể ra chợ hoặc siêu thị mua sẵn vịt đã làm sạch lông để tiết kiệm thời gian. Về bạn chỉ việc sơ chế để khử sạch mùi tanh, hôi của vịt.

Ảnh minh họa

 

Bước 2: Khử mùi hôi tanh cho thịt vịt

Đây là bước quan trọng, mặc dù đã làm sạch phần lông, cắt bỏ phao câu nhưng thịt vịt vẫn sẽ có mùi đặc trưng, nếu không sơ chế sẽ có mùi hơi khó chịu khi ăn.

Dùng muối hạt và gừng đập dập để chà xát cả trong và ngoài con vịt rồi rửa sạch lại với nước. Gừng có tác dụng khử mùi hôi vịt hiệu quả và giúp vịt thơm hơn khi luộc.

Sau đó dùng rượu trắng (có thể dùng giấm gạo) để rửa vịt rồi xả lại với nước, chắc chắn vịt sẽ không còn mùi hôi.

Bước 3. Luộc vịt

Bắc một nồi nước lên bếp đun, đổ lượng nước đủ để ngập hết phần vịt. Thịt vịt ngon phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu và cách luộc vịt, vì vậy nên cho vào 1 củ gừng đập dập, hoặc 1 củ hành khô nướng. Các nguyên liệu này sẽ giúp món vịt luộc có mùi hương thơm lừng và vô cùng hấp dẫn.

Luộc vịt trong khoảng 20 - 25 phút, khi thấy phần nước đã cạn hơn, dùng 1 chiếc đũa chọc vào phần thịt vịt nếu không chảy ra nước màu đỏ là vịt đã chín. Sau đó tắt bếp, vớt vịt ra để nguội.

Ảnh minh họa

 

Bước 4: Chặt vịt thành từng miếng vừa ăn rồi thưởng thức.

Thịt vịt vừa chặt xong, chỉ cần chấm vào chén nước mắm gừng là đủ để người ăn cảm thấy thú vị bởi miếng thịt mềm ngọt, phần da giòn giòn thấm vào nước mắm vừa mặn vừa chua ngọt vừa nồng cay hương gừng.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Theo Gia đình Việt Nam

"https://giadinhvietnam.com/vit-luoc-thom-ngon-mem-ngot-cho-ngay-tet-doan-ngo-d158555.html"

Bạn đang đọc bài viết "Vịt luộc thơm ngon, mềm ngọt cho ngày tết Đoan ngọ" tại chuyên mục TÔI VÀO BẾP.