Phú Thượng là vùng đất ven đô, xưa thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Tây Hồ, với ba cụm dân cư: Làng Bạc (Thượng Thụy), làng Gạ (Phú Gia) và làng Xù (Phú Xá). Đến Phú Thượng hôm nay, bên cạnh sự hối hả ồn ào của nhịp sống hiện đại, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những dấu tích của làng cổ Bắc Bộ xưa kia với cây đa, giếng nước, sân đình cùng nghề nấu xôi truyền thống...
Nằm ở phía Tây Bắc hồ Tây, lại ngay sát sông Hồng quanh năm bồi tụ phù sa nên đất đai ở Phú Thượng màu mỡ hơn so với nhiều nơi khác. Chẳng thế mà làng Bạc (Thượng Thụy) xưa nổi tiếng với nghề trồng hoa lay ơn và buôn bán chuối, làng Xù (Phú Xá) có nghề trồng hoa đào đẹp không kém Nhật Tân, làng Gạ (Phú Gia) nức tiếng Hà thành với nghề nấu xôi cùng rượu nếp, bánh đa kê...
Ngày nay, cuộc sống hiện đại và tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt với sự xuất hiện của những khu đô thị cao cấp, những dự án lớn khiến đất nông nghiệp ở Phú Thượng bị thu hẹp, nhưng những nghề truyền thống ấy vẫn được người dân gìn giữ. Thậm chí, có nghề còn trở nên nổi tiếng hơn như nghề nấu xôi đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân và đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương.
Vào lúc chiều muộn hay sáng sớm, chỉ đến đầu làng Phú Thượng du khách đã thấy hương xôi nếp lan tỏa khắp làng trên xóm dưới. Hiện tại Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, người dân trong làng tạo dựng thương hiệu và đưa xôi đến bán tại nhiều chợ truyền thống, các cửa hàng ở Hà Nội cũng như phục vụ cho các lễ, tiệc trên khắp các tỉnh thành.
Theo các cụ cao niên trong làng, lợi thế của làng xôi Phú Thượng là năm ven sông Hồng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ đã tạo nên giống nếp cái hoa vàng đặc biệt cho Phú Thượng mà khó nơi nào sánh được. Cùng với đó là sự khéo léo của người phụ nữ Phú Thượng trong cách chọn, ngâm gạo, đãi đỗ, đồ xôi... Mỗi người có một bí quyết riêng, nhưng lạ thay tất cả đều hài hòa và mang những đặc điểm chung tạo nên thương hiệu xôi Phú Thượng. Ấy là hạt xôi căng mọng, dẻo thơm khiến xôi để cả ngày không bị cứng hoặc vữa. Màu sắc vô cùng bắt mắt, thể hiện rõ đặc trưng của từng loại nguyên liệu đi kèm như: Xôi gấc, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi dừa, xôi lá cẩm, xôi lá nếp...
Người dân Phú Thượng cho biết, muốn nấu xôi ngon, quan trọng là phải có được nguyên liệu chuẩn. Gạo nếp phải chuẩn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ hay lạc cũng được lựa chọn kĩ lưỡng. Sau đó đến giai đoạn chế biến cũng cần chuẩn xác và kinh nghiệm của người thổi xôi. Đầu tiên phải vo thật sạch gạo, sau đó ngâm khoảng 3 tiếng, rồi mang ra đãi. Sau khi đãi xong lại bỏ vào ngâm. Phải đãi từ hai đến ba lần sao cho nước thật trong và không còn vương chút bụi nào.
Khi thổi được khoảng nửa tiếng, bỏ ra rổ, lấy đũa đảo đều để thoát hơi, sau đó để yên tầm ba tiếng, vẩy qua nước, bóp đều rồi để đó tầm 3 đến 4 giờ sáng hôm sau dậy đồ lại một lần nữa sau đó phân loại đem đi bán. Phải đồ xôi qua hai lửa để xôi đạt được độ rền, dẻo. Lửa phải vừa đủ độ nóng, căn sao cho đủ thời gian thì mới có xôi ngon.
Nấu xôi Phú Thượng không chỉ là một nghề mà còn được xem như là một nghệ thuật ẩm thực. Xôi Phú Thượng có nét đặc trưng riêng biệt so với các loại xôi khác. Xôi nấu xong được chia ra các thúng riêng, rồi đặt vào các lớp buồm khác nhau. Mỗi lớp buồm là một loại xôi riêng biệt. Đặt xôi trong các buồm cổ khác nhau đã trở thành nét riêng của người dân Phú Thượng. Trên các buồm luôn đậy các vỉ cói để xôi luôn nóng, thơm dẻo và không bị hấp hơi nước.
Xôi Phú Thượng luôn có độ bóng riêng do chất gạo, được gói trong các loại lá chứ không bao giờ gói trực tiếp bằng giấy báo hay giấy bóng kính. Nếu là xôi Phú Thượng ngon đúng điệu thì chỉ cần nhìn hạt xôi, ngửi mùi hương bay lên là đã nhận ra.
Chỉ cần từ 5.000 đồng, bạn đã có thể mua được một gói xôi Phú Thượng ăn cùng chút muối vừng thơm ngậy. Nếu có thêm thịt kho tàu, trứng rán, trứng ốp, mỗi gói xôi sẽ khoảng 10.000 đồng - 15.000 đồng tùy theo nhu cầu của người mua. Những hàng xôi Phú Thượng luôn đông khách bởi xôi ngon, phù hợp với túi tiền của mọi khách hàng.
Năm 2016, Phú Thượng được Thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống” như một sự ghi nhận những tri thức dân gian độc đáo mà người dân nơi đây đã gìn giữ, trao truyền trong nhiều năm qua. Để bảo vệ và nâng tầm thương hiệu cho làng nghề, năm 2019, Phú Thượng đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Xôi Phú Thượng” với logo hình ảnh đặc trưng.
Đáng chú ý, năm 2020, ba sản phẩm của làng nghề gồm xôi chè, xôi xéo và xôi ngũ sắc, làm từ phẩm màu tự nhiên như gấc, nghệ tươi, hoa hiên, được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao của TP Hà Nội.
Theo đại diện Hội Làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng, để giữ vững chất lượng sản phẩm, thương hiệu làng nghề truyền thống, các hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nấu xôi truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Từ khi sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân ngày càng thuận lợi hơn, thu nhập của người dân nâng cao. Thương hiệu xôi Phú Thượng ngày càng phát triển và trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ ở Thủ đô mà còn trên khắp đất nước Việt Nam và vươn xa đến bạn bè thế giới.
Ngày 16/2/2024, Nghề làm xôi Phú Thượng đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Món ăn quen của người Hà Nội và nhiều du khách chính thức thành di sản được giữ gìn.