Ông Lư Hiếu - trưởng khu vực Thị trấn, phường Lê Bình chia sẻ: Do đặc điểm địa lý, không gian giao thương, mua bán “trên bến, dưới thuyền” nên Cái Răng như một điểm hội tụ, giao thoa văn hóa ẩm thực của miền Tây Nam Bộ. Thương hồ đi đến đâu, mang theo thói quen ăn uống, cách chế biến món ăn đến đó. Người địa phương học hỏi, biến tấu các món ăn trở thành đặc sắc riêng biệt.
Chính tôm khô – nguyên liệu đơn giản, dễ tìm nhưng đặc trưng này đã khiến món ăn làm nên thương hiệu cho vùng đất gạo trắng nước trong.
Điển hình như món bún tôm khô Cái Răng nức tiếng gần xa. Nó gần giống như bún riêu cua cuả miền Bắc nhưng khác ở chỗ là nó không hề có cua. Để lấy nấu nước lèo, người ta dùng tôm khô (đã ngâm qua nước ấm) xào, xương ống ninh kỹ, huyết vịt... nên có vị ngọt thanh, rất đặc trưng. Miếng chả trong tô bún được làm từ con tôm khô ngâm nở, bằm nhỏ trộn chung với trứng vịt rồi đem đi chưng cách thủy. Rau dùng cho tô bún là bắp chuối, rau muống chẻ, húng lủi…
Ngồi trước tô bún tôm khô Cái Răng nóng hổi giữa ngày mưa, thong thả nêm thêm vào nước lèo chút mắm ruốc, chanh, ớt… tùy khẩu vị rồi nhẩn nha thưởng thức cái đằm thắm, ngọt ngào của món ăn ta không khỏi cảm ơn đất trời vì được sinh ra từ nền văn minh lúa nước.
Tiệm xíu mại Trương Ký luôn nườm nượp khách, người ngồi bàn, người mua đem đi.
Chị Dương Thị Ngọc Phượng - chủ quán, người sáng tạo ra công thức của món ăn cho biết: ban đầu quán rất nhỏ, chỉ lèo tèo vài bộ bàn ghế nhỏ. Sau nhiều người ăn riết thành “ghiền” nên đông khách. Có người từ quận Ninh Kiều chạy xe vào tận đây chỉ để được ăn sáng với món này. Quán chỉ bán đến tầm 9- 10 giờ sáng là hết hàng, giá mỗi tô bún tôm khô hiện nay là 30 ngàn.
Một địa chỉ ẩm thực khác ở Cái Răng cũng có thể khiến du khách “phải lòng” nếu thích thưởng thức món ăn Trung Hoa. Ở góc đường Lê Thái Tổ (ngang Bảo tàng Công an Cần Thơ) có quán Trương Ký chuyên bán bánh mì, xíu mại hấp đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nay và rất đông khách. Vợ của ông chủ quán là chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết: “Các món ăn ở đây được chế biến theo công thức gia truyền từ thời ông nội của chồng chị- một lưu dân từ Trung Quốc sang lập nghiệp. Món xíu mại khô, xíu mại nước rất dễ tìm thấy trong các quán ăn người Hoa. Tuy vậy, các món xíu mại ở đây có một hương vị rất đặc trưng mà thực khách không thể tìm được ở đâu khác, ngay cả ở Chợ Lớn”.
Nem Cái Răng đã nổi tiếng khắp miền Nam từ thập niên 50-60 của thế kỷ trước bởi sự độc đáo của nó.
Thật vậy, điều khác biệt thực khách sành ăn có thể dễ dàng nhận ra là lớp vỏ của món xíu mại khô thấm đẫm vị ngọt lừ của thịt mỡ từ nhân bánh tiết ra chứ không khô khốc như một số nơi khác. Đó là một bí quyết gia truyền khi nhồi bột và cán lá hoành thánh để gói thịt. Hay như món xíu mại nước, cái vị chua thanh của nước sốt hòa quyện vào viên thịt băm có tác dụng kích thích khẩu vị rất tốt. Giá cả rất dễ chịu, mỗi viên xíu mại khô hay nước gì cũng có giá chỉ 7 ngàn đồng.
Nem chua Cái Răng cũng là một món ăn ngon, đáng cân nhắc khi du khách muốn mua về ăn, làm quà tặng người thân. Từ khoảng thập niên 50- 60 của thế kỷ trước nem Cái Răng đã nổi tiếng khắp miền Nam vì sự độc đáo của nó. Cái đặc biệt của nó không phải là lớp lá vông vừa đủ độ già để làm dậy men chua của nem cũng không phải là viên nem đỏ au, láng bóng, giòn dai. Nó là tổng hòa của màu sắc, hương thơm và vị béo bùi, thơm ngon đã tạo nên một thương hiệu nổi tiếng.
Chị Trần Thị Minh Phúc - chủ lò nem “Cô Phúc” chia sẻ: Để có mẻ nem ngon thì chất lượng của thịt heo mang tính quyết định. Người làm nem chỉ sử dụng 2 nồi rọ (2 tảng thịt sát phần đùi sau của con heo) còn tươi rói để quết nem. Sau khi quết nhuyễn bằng máy, nêm gia vị xong phải quết lại bằng tay cho đến khi thịt “chín”, đây là công đoạn quan trọng nhất để cho ra đời những chiếc nem ngon.
Có thể nói, ẩm thực địa phương là một mảng rất quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch. Món ngon thì ở đâu cũng có nhưng chính những sự khác biệt mới kích thích sự tò mò, khám phá của du khách khi đến một địa phương nào đó. Bên cạnh những di tích, thắng cảnh nổi tiếng, ẩm thực Cái răng như một nét duyên thầm của cô gái miệt vườn chờ người đồng điệu.