Một ngày theo chân "thợ rừng" săn ba khía miền Tây

06/07/2024 10:00

Dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau tồn tại nhiều loại sản vật có giá trị kinh tế cao như vộp, ốc len, chem chép, ba khía…, tận dụng lợi thế này nhiều nông dân sống ven rừng đã nghĩ ra cách dùng rập đặt ba khía bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Cuối tháng 6, Cà Mau mưa nhiều, đó cũng là lúc những sản vật rừng như ba khía, ốc len… rời khỏi hang để dạo chơi "tắm mát" và tìm kiếm "bạn tình" để sinh sản, tái tạo lại nguồn lợi dưới tán rừng.

Vùng rừng ngập mặn Cà Mau vốn rất nổi tiếng với nhiều sản vật trứ danh được khách thập phương ưa chuộng mỗi khi đến địa phương này tham quan, du lịch. Trong đó trải nghiệm cùng bà con nông dân vào rừng lội bùn vạch tìm hang ba khía để đặt rập được nhiều người thích thú.

Nghề bắt ba khía của người dân vùng rừng ngập mặn Cà Mau có từ lâu đời và rất vất vả vì phải lặn lội khắp nơi ở bìa rừng. Vì vậy, theo thời gian để đỡ nhọc công tốn sức, những người thợ rừng đã mạnh dạn "cách tân" bằng cách dùng rập chuột đặt ở cửa hang để bắt ba khía.

Cách làm mới, sáng tạo mang lại hiệu quả rất cao, được nhiều nông dân chọn để hành nghề. Cũng từ đó nghề bắt ba khía được xem là "hái ra tiền" đối với những người nông dân ven rừng vốn không có nghề nghiệp ổn định.

Giữa những cơn mưa lất phất những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp theo chân "thợ rừng" Trần Văn Linh, ngụ huyện Ngọc Hiển vào rừng đặt rập bắt ba khía. Gọi là thợ rừng vì những người này thường xuyên vào rừng săn bắt nhiều loại sản vật có trong rừng tự nhiên để bán cho các vựa thu mua ở địa phương. Họ đi rừng rất chuyên nghiệp nên biết phán đoán mọi phương hướng, chẳng bao giờ sợ lạc. Chuyện ăn bờ ngủ bụi trong rừng vào buổi ban trưa, với họ còn thường xuyên hơn ở nhà. Có người gắn bó với cuộc sống hằng ngày ở trong rừng từ hàng chục năm qua. Rừng là máu thịt, là nguồn sống đã cưu mang, nuôi sống họ.

"Trời mưa mát mẻ nên ba khía ra khỏi hang tìm kiếm bạn tình giao phối để sinh sản. Mùa này rất dễ bắt được ba khía trứng. Ba khía thường có quanh năm nhưng để bắt được ba khía chất lượng, thịt chắc và nhiều gạch nên đi vào lúc tối trời. Còn khi sáng trăng thường thịt ba khía chưa đạt tới độ ngon nhất định nên ít ai đi bắt", ông Linh nói.

Ông Linh cũng cho biết, với những người dân lao động phổ thông thì việc tìm kiếm một công việc có thu nhập cao ở quê là rất khó. Bởi thế, nghề "thợ rừng" vốn được xem là lựa chọn tối ưu của nhiều người dân địa phương.

"Nghề này rất thú vị và chủ động được thời gian. Hôm nào khoẻ, cứ đi rừng là có tiền. Siêng năng thì có thu nhập cao. Hôm nào vô mánh thì kiếm tiền triệu, còn trung bình cũng vài ba trăm nghìn. Nói chung, nghề săn ba khía trong rừng tuy cực nhưng sống được. Mình khỏi lệ thuộc vào ai, khi nào mệt thì mình nghỉ ít hôm", ông Linh cười bảo.

Công cụ hành nghề được "thợ rừng" Trần Văn Linh mang theo để đặt bẫy ba khía khá đơn giản. Đó chỉ là chiếc cần rập chuột và nhu yếu phẩm như cơm, thức ăn và nước uống là có thể vào rừng cả ngày.

Mồi để dẫn dụ ba khía sập bẫy cũng đơn giản chỉ cần mắc lá cây đước hoặc mắm vào rập rồi tìm cửa hang mà đặt là có thể bắt được.

Ông Linh cho hay: "Hang ba khía có khắp nơi dưới tán rừng, chỉ tìm cửa hang đặt rập. Khi ba khía rời hang, chúng nhìn thấy lá cây treo trong rập mà bò vào là dính bẫy liền. Thông thường, sau khi đặt bẫy xong chỉ cần nghỉ ngơi tầm khoảng 30 phút là có thể đi thăm bẫy. Tôi có khoảng một trăm rập, hôm nào vô mánh thì bắt được từ 5 - 7kg, thất thì cũng 3 - 4kg. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình".

Hiện ba khía được các vựa thu mua với giá khá cao khoảng từ 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình mỗi ngày, những người thợ rừng như ông Linh bỏ túi từ hơn 200.000 đồng/người. Đây là khoản thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều người dân ở vùng quê hiện nay. Ba khía được chế biến thành nhiều món ăn như luộc, rang me và đặc biệt nhất phải kể đến là món ba khía muối - món ăn đặc sản trứ danh của vùng đất Rạch Gốc ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Len lỏi trong rừng sâu hơn nữa ngày, lúc này cả tôi và "thợ rừng" Trần Văn Linh đã thấm mệt. Sau khi chiếc rập cuối cùng được tìm thấy, một con ba khía với 2 chiếc càng đỏ tươi đã nằm gọn bên trong chiếc rập. Đó cũng là lúc chúng tôi kết thúc hành trình một ngày rong ruổi trong rừng để đặt bẫy ba khía.

"Nay tầm hơn 4kg, như vậy là thành công rồi. Ta về thôi", nói rồi ông Linh nổ máy điều khiển vỏ lãi phóng vèo ra khỏi cánh rừng đước bạt ngàn, mặc cho cơn mưa chiều tuôn xuống.

Ba khía sinh sống nhiều ở vùng bãi bồi, vuông tôm ven rừng ngập mặn ở Cà Mau trong đó tập trung nhiều ở các huyện như Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi… được coi là sản vật rừng được thiên nhiên ban tặng. Ngày nay loại sản vật này còn được gọi là "món ăn nhà giàu", được dùng làm quà biếu tặng trong các dịp lễ tết hoặc tặng khách phương xa. Ba khía muối là sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau được nhiều du khách sành ăn trong và ngoài nước biết đến.

Chia sẻ về sản vật ba khía, một lãnh đạo xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho hay: "Địa phương có rất nhiều người sống bằng nghề bắt ba khía. Có thể con ba khía ngày xưa không có giá trị nhưng hiện là đặc sản, là món ăn của những người giàu nên rất được ưa chuộng. Nhiều người từ nơi khác đến địa phương thuê mướn vuông chủ yếu để bắt ba khía. Có thể nói, ba khía là sản vật được thiên nhiên ban tặng cho vùng bãi bồi rừng ngập mặn.

Địa phương đã kêu gọi bà con nhân dân có kế hoạch bảo tồn, tái sinh để phát huy giá trị kinh tế của con ba khía như không bắt những con nhỏ chưa đủ kích cỡ hoặc ba khía trứng sắp sinh sản. Có như vậy thì nguồn lợi ba khía mới tồn tại được".

PV
Bạn đang đọc bài viết "Một ngày theo chân "thợ rừng" săn ba khía miền Tây" tại chuyên mục TRẢI NGHIỆM.