Muối là một loại gia vị không thể thiếu. Muối không chỉ làm tăng hương vị của món ăn mà còn là một trong những khoáng chất cần thiết để duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể con người. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại muối nhưng ít ai để ý thành phần và công dụng như thế nào, ăn loại nào tốt cho sức khỏe nhất.
Muối biển (muối hạt)
Muối biển được tạo ra thông qua sự bay hơi của nước biển hoặc các hồ nước mặn. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, quá trình bay hơi cho phép muối biển lưu giữ các khoáng chất mà cơ thể cần, như kali, canxi và magiê. Do không có bất kỳ chất phụ gia nào nên muối biển còn được gọi là "thực phẩm xanh".
Mặc dù muối biển giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhưng các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua muối biển. Chuyên gia dinh dưỡng Candice Seti (Hoa Kỳ) cảnh báo muối biển có màu sẫm hơn sẽ có nhiều tạp chất hơn do quá trình chế biến thô, cộng với tình trạng ô nhiễm tràn lan trong các vùng biển trên thế giới, muối biển có thể chứa một lượng nhỏ kim loại nặng.
Carolyn Dean, tác giả và người sáng lập của RNA Reset, cho biết thêm rằng muối biển cũng có nguy cơ chứa “vi nhựa từ nước ô nhiễm và rác thải nhựa”.
Muối tinh chế
Muối tinh chế, còn được gọi là muối chế biến hoặc muối mịn, là muối kết tinh trở lại sau khi loại bỏ tạp chất. Vì đã loại bỏ một số tạp chất và nguyên tố vi lượng nên muối tinh chế trông giống như một số hạt nhỏ màu trắng tinh khiết và hoàn hảo. Muối này rất chát và mặn vì mất đi các vi lượng, thường dùng làm bột canh và nhiều loại gia vị. Tuy nhiên, muối tinh chế cũng có nhiều loại, phù hợp với nhu cầu sử dụng và tình trạng sức khỏe của người dùng.
Muối natri thấp
Muối natri thấp có nghĩa là hàm lượng natri trong sản phẩm thấp và nó không có vị mặn như các loại muối khác. Đối với một số bệnh nhân tăng huyết áp, muối natri thấp sẽ thích hợp hơn.
Tuy nhiên, muối natri thấp thường chứa kali clorua. Nếu một số bệnh nhân tăng huyết áp đang dùng một số thuốc lợi tiểu ngăn chặn kali, không nên ăn loại muối này để tránh dẫn đến tình trạng dư thừa kali.
Muối iốt
Iốt là một trong những nguyên tố vi lượng thiết yếu của cơ thể con người và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng tuyến giáp. Nếu thiếu iốt, nó có thể dẫn đến các vấn đề như phì đại tuyến giáp và suy giáp. Do đó, muối iốt đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh thiếu iốt.
Muối không chứa iốt
Đây là loại muối ăn không có iốt, đặc biệt thích hợp cho những người sinh sống ở vùng ven biển. Điều này là do thức ăn chủ yếu của họ là hải sản và các sản phẩm biển khác chứa nhiều iốt nên về cơ bản, nhu cầu iốt của người sống ở vùng này đã có thể đáp ứng được, không cần ăn thêm muối iốt.
Muối hồng Himalaya
Muối hồng Himalaya là loại muối được rất nhiều gia đình sử dụng thời gian gần đây. Theo William Li, tác giả cuốn Eat To Beat Disease: The New Science of How Your Body Can Heal Itself, muối hồng Himalaya đến từ Mỏ muối Khewra ở Pakistan, nơi hàm lượng khoáng chất ở đó tạo ra màu hồng độc đáo.
Vì muối hồng Himalaya được khai thác và xay bằng tay, nên nó thậm chí còn tự nhiên hơn muối biển. Về thành phần, muối hồng Himalaya có chứa nhiều khoáng chất có lợi hơn muối biển. Muối hồng Himalaya có tất cả 84 nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, trong khi muối biển chỉ chứa 72 nguyên tố.
Nên lựa chọn loại muối nào?
Theo Tiến sĩ William Li, muối bất kể nguồn gốc của nó là gì đều rất quan trọng đối với sức khỏe. Muối giúp cơ thể điều chỉnh huyết áp, hỗ trợ chức năng thần kinh và giúp các tế bào thực hiện chức năng của chúng để giữ cho các cơ quan khỏe mạnh.
Cả muối biển và muối chưa qua tinh chế như muối hồng Himalaya đều là những lựa chọn lành mạnh nhất để nêm gia vị cho các món ăn. Bởi vì các loại này có chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, tạo vị ngọt tự nhiên.
Nếu không muốn sử dụng hạt nêm, mì chính, mọi người nên dùng muối biển hoặc muối hồng Himalaya để nêm nếm. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn muối biển có công bố không có các vi chất độc hại như kim loại nặng.