1. Nước mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc có truyền thống trên 200 năm và được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm tươi đánh bắt quanh đảo Phú Quốc.
Cá cơm có từ đầu năm đến cuối năm nhưng nhiều nhất và tốt nhất từ tháng 7-8 đến tháng 12. Cá cơm có đến hơn chục loại, nhưng phải là cá cơm Sọc tiêu, cá cơm Than và cá cơm Đỏ thì nước mắm mới tốt có màu cánh gián đậm, thơm ngon tinh khiết.
Theo kinh nghiệm của một số nhà thùng lâu đời trên đảo, thì cá cơm phải được “chuộp” (ướp muối) ngay trên tàu rồi chở về đất liền mới đảm bảo độ “tươi”, không làm tăng hàm lượng histamine.
2. Tiêu Phú Quốc
Tiêu Phú Quốc nổi tiếng về chất lượng do hạt mẩy, vỏ mỏng, ruột đặc, cay nồng và thơm không đâu sánh bằng và được coi là một trong những đặc sản của Phú Quốc. Tiêu được trồng ở khắp nơi trên đảo với tổng diện tích lên đến 470 ha.
Du khách có thể dừng chân chụp ảnh và tham quan một vườn tiêu ở đây trên đường đi Bắc đảo, hoặc cũng có thể thăm vườn tiêu ở khu vực Suối Đá, trên đường đi thăm làng chài Hàm Ninh.
3. Bánh canh ghẹ chả
Bánh canh ghẹ - vốn dĩ đã ngon, bánh canh ghẹ chả của Hà Tiên lại càng hấp dẫn vì nguyên liệu xuất sắc. Ghẹ, cá làm chả, tôm, đầu cá thu chế biến nước dùng đều tươi và chất lượng.
Nước lèo từ tôm khô, thịt, xương heo lại được cho thêm đầu cá thu lấy khi tàu vừa cập bến thơm, ngọt, mặn mà lại rất thanh. Còn chả cá chế biến bằng thịt cá thu càng đáng nói. Cá tươi nạo, trộn với gia vị cơ bản như tiêu, tỏi, hành, bột ngọt, mắm rồi quết thật đều tay.
Khi hỗn hợp nhuyễn đều, ép dẹp đem hấp chín hoặc chiên. Từng miếng chả dậy mùi khi ăn sẽ được thái nhỏ vừa dai, vừa giòn, vừa đậm đà. Đặc biệt, ghẹ không quan trọng là to hay nhỏ nhưng thật chắc thịt, còn sống cho vào luộc nên ngọt ngon.
Tô bánh canh ghẹ bưng ra dễ làm người ăn ngạc nhiên vì chỉ thấy ghẹ với chả, bánh canh trắng nằm phía bên dưới khiêm nhường. Bánh canh ghẹ làm toàn từ hải sản nhưng không hề có chút tanh ngược lại, mùi rất quyến rũ. Một tô thôi nhưng trong đó tập hợp đủ vị biển làm say lòng thực khách mê hải sản.
4. Gỏi cá trích
Hầu như du khách nào đến Phú Quốc đều phải thu xếp cho được một bữa ngồi ngay bờ biển và thưởng thức gỏi cá trích, để rồi sau đó, không ai nói lời hối tiếc. Gỏi cá trích đi kèm với với bánh tráng cuốn, rau, đồ chấm.
Đĩa gỏi cá trích - đặc sản Kiên Giang - mới được mang ra dễ khiến người ăn lúng túng vì bên trên phủ toàn dừa nạo trắng muốt. Thực khách sau đó phải trộn đều lên mới nhận rõ tầng sâu hấp dẫn với những miếng thịt cá tươi rói, rau thơm, đậu phộng ngon mùi, hành tây, ớt tươi tạo thành tập hợp nhìn đã thấy mê.
Vậy nên thật nhanh tay cầm miếng bánh tráng, nhúng sơ vào nước cho mềm rồi nhón chút rau sống nào xà lách, dưa leo, rau thơm… gắp gỏi cho lên trên, sau đó, cuộn lại thật chắc tay, chấm vào chén tương nâu vàng đầy mời gọi để biết món gỏi cá trích quả đúng lừng danh.
Cá trích tươi ngon ngọt còn mang vị biển với béo béo dừa nạo, hăng hăng hành tây, điểm thêm rau sống giòn mát là món nhâm nhi tuyệt vời.
5. Bún cá
Bún cá ở Kiên Giang phổ biến và đi vào trong cuộc sống thường nhật của người dân, ngấm cả vào những câu ca dao:
“Chai rượu, miếng trầu em hầu tía, má Nấu tô bún cá đặng lấy lòng anh”
Bún cá Kiên Giang khác biệt từ cách làm cho đến hương vị cũng là món ăn được du khách phương xa yêu thích. Cá to khoảng 1 kg, rửa sạch, cắt thành 3 khúc. Đặc biệt, làm sao làm sạch dạ dày cá nhưng để nguyên bộ lòng. Tiếp đó, đem cá đi hấp chín, rồi lột da, bẻ thịt cá thành từng miếng.
Tô bún nghi ngút khói, những miếng cá ngon, tôm vàng hấp dẫn trên nền bún trắng, nước sóng sánh điểm hành lá xanh đẹp như một bức tranh. Người ăn cho thêm chút ớt, nhánh nhau sống, lá rau thơm làm cho món ăn lại càng quyến rũ.
Vị nước dùng thanh thơm mùi cá, mùi mực và beo béo trứng khó mà tìm gặp ở món bún nơi nào khác. Bún dai, thơm dừa, cá tôm ngon ngọt. Tất cả đều làm hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi.
6. Nấm tràm
Nấm tràm có nhiều ở Phú Quốc là loại đặc sản có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, nấm tràm không phải lúc nào cũng sẵn.
Muốn ăn nấm tươi phải đúng mùa mưa. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.
Luộc gà rồi cho nấm tràm vào nấu với nước gà luộc là món đơn giản và giữ được vị nguyên của nấm nhất. Vừa xé gà chấm muối tiêu chanh, thỉnh thoảng húp chút nước, gắp miếng nấm tràm ngắm trời mưa thật ấm người, ấm lòng và thỏa mãn cái dạ dày.
Nấm tràm giòn xốp, không chỉ ngọt ngon mà còn có vị đăng đắng đặc trưng. Người ta nghiện nấm tràm khó quên được món ngon cũng là do cái đắng nhẹ khó hiểu này của nó. Ngoài ra, chả cá viên nấu với nấm, nấm nấu tôm… món nào cũng ngon và ấn tượng.
7. Bánh thốt nốt
Bà con Khmer đã sáng tạo ra món ăn dân giã mà tinh tế từ những nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Bánh thốt nốt được làm từ nước thốt nốt, trái thốt nốt và bột gạo.
Để làm bánh, người ta lấy gạo ngon xay thành bột, ủ một đêm cho lên men. Lấy bột này trộn với cơm thốt nốt và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối theo hình chữ nhật, rồi đem hấp.
Hoặc cũng có thể trà trái thốt nốt già chà vào rổ lấy bột, trộn với gạo, chút dừa nạo rồi gói trong lá chuối hoặc lá dừa, lá thốt nốt đem hấp...
Sau ít thời gian, mùi thơm từ xửng hấp bốc ra ngào ngạt là bánh được. Bánh thốt nốt nhìn ngoài không mấy đẹp nhưng khi mở gói ra thì ngon mắt vô cùng. Màu vàng đặc trưng vuốt ve bột mềm, ăn đến no vẫn thèm.